DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH SƠ CỨU BỆNH NHÂN ĐỘT QUỴ

26/09/2022

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ. Vậy đột quỵ là gì, dấu hiệu nhận biết đột quỵ, cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ ra sao? Cùng tìm hiểu ngay bài viết dưới đây nhé!

1. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là tình trạng mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ oxy. Khi đó một phần não bắt đầu chết đi và gây tổn thương não.

Theo thống kê từ bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 230.000 ca đột quỵ, 50% trong số đó đã tử vong và 90% các trường hợp còn sống đều để lại các biến chứng như liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức, trầm cảm hay rối loạn cảm xúc, rối loạn tiểu tiện. Đột quỵ ngày càng phổ biến, không chỉ có ở người cao tuổi, có lịch sử bệnh nền mà còn xuất hiện ở cả những người trẻ.

2. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Có thể nhận biết dấu hiệu bệnh nhân mắc đột quỵ bằng việc áp dụng quy tắc F-A-S-T: 

- F (Face): Méo mặt, méo miệng

Bệnh nhân có thể bị méo miệng, méo mặt, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt

- A (Arm): Yếu liệt tay chân

Tay chân cử động khó hoặc không thể cử động, tê liệt một bên cơ thể

Khi giơ 2 tay hoặc chân bệnh nhân lên, tay chân thường bị rơi xuống nhanh bất thường hoặc không thể đưa lên được 

- S (Speech): Nói khó

Bệnh nhân đột quỵ thường có biểu hiện nói đớ, nói không ra tiếng, thậm chí nói những từ rất vô nghĩa

- T (Time): Đột quỵ diễn ra rất đột ngột, chỉ sau khoảng 1 phút sẽ xuất hiện các biểu hiện, biến chứng nặng dần

3. Cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ

Đối với bệnh nhân đột quỵ, việc đưa đến cấp cứu trong giai đoạn "thời gian vàng" là vô cùng quan trọng để cứu sống và hạn chế những di chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Theo các chuyên gia, bác sĩ chuyên ngành, thời gian vàng để điều trị đột quỵ là khoảng từ 4,5 - 6 giờ kể từ khi phát hiện bị đột quỵ, bệnh nhân được đưa đến viện cấp cứu càng sớm thì càng có giá trị trong việc điều trị và cứu sống bệnh nhân.

Khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ cần nhanh chóng thực hiện các bước sau:

Bước 1: Cho bệnh nhân nằm cao đầu

Bước 2: Nếu bệnh nhân có chất nôn, rối loại ý thức cần cho bệnh nhân nằm nghiêng một bên tránh sặc chất nôn vào miệng họng

Bước 3: Khai thông đường thở

Nhanh chóng tiến hành khai thông đường thở, kiểm tra và lấy bỏ các dị vật gây tắc nghẽn đường thở như thức ăn thừa, răng giả, lau sạch chất nôn, đờm dãi, nới rộng vùng trên ngực để bệnh nhân thông thoáng đường hô hấp. Nếu tình trạng ngưng thở kéo dài trong 4 phút, não bộ sẽ bị tổn thương hoàn toàn, gây đột quỵ hoặc đời sống thực vật vĩnh viễn

Bước 4: Kiểm tra các chấn thương

 Tiến hành cầm máu, băng ép tạm thời nếu  bệnh nhân bị gãy xương hoặc chảy máu do bị ngã trong lúc đột quỵ

Bước 5: Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất

Lưu ý trong quá trình sơ cứu, không thực hiện các phương pháp như xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu